Thứ Năm, Ngày 28 tháng 3 năm 2024

Ứng phó khẩn cấp với mưa lớn gây lũ, ngập lụt và sạt lở

Ngày 07/8/2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có Công điện hoả tốc số 05/CĐ-UBND về việc ứng phó khẩn cấp với mưa lớn gây lũ, ngập lụt và sạt lở trên địa bàn tỉnh; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có Công văn khẩn số 33/PCTT về việc chủ động Ứng phó khẩn cấp với mưa lớn gây lũ, ngập lụt và sạt lở, gửi các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, do ảnh hưởng của gió Mùa Tây Nam hoạt động mạnh, trong mấy ngày qua các khu vực vùng Trung tâm, phía Nam và phía Bắc tỉnh đã có mưa to đến rất to. Các vùng có mưa lớn như: Huyện Ea Súp tại Ea Lốp 364 mm; Ea Rốc 193 mm; Huyện Buôn Đôn tại EaBar 215 mm, Ea Ver 181 mm; huyện CưM'gar tại Ea Kiết 197 mm, Ea Tul 124 mm; Huyện Lắk tại Buôn Triết 96 mm. Mực nước tại Trạm Bản Đôn trên sông Srêpôk lúc 7 giờ ngày 07/8/2019 đạt 175,70 m trên báo động cấp III là 0,70 m. Cảnh báo trong thời gian tới các khu vực trên tiếp tục có mưa vừa đến mưa to có nơi rất to với tổng lượng mưa dự báo đạt 50-100 mm (riêng vùng phía Đông của tỉnh từ 10-30 mm). Mực nước tại Bản Đôn tiếp tục lên, khả năng đạt 176,8m trên báo động cấp III là 1,8m, cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng.

Hình ảnh minh hoạ

Để chủ động ứng phó với thiên tai, tránh chủ quan, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Triển khai ngay các biện pháp bản đảm an toàn về người, tài sản; rà soát, kiên quyết sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, đặc biệt là nhà ở có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Kiểm tra thực hiện các biện pháp quản lý an toàn hồ, đập, công trình đang thi công dở dang, nhất là các công trình hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.

2. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi cập nhật thông tin kịp thời; Chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai trong phạm vi địa phương theo quy định; Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo việc thống kê đánh giá thiệt hại, xác định nhu cầu hỗ trợ, triển khai công tác khắc phục hậu quả và phục hồi tái thiết sau thiên tai.

3. Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn khẩn trương kiểm tra, giám sát các Chủ quản lý các công trình thuỷ lợi triển khai các phương án đảm bảo an toàn các hồ đập, vận hành các hồ chứa góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.

4. Sở Công thương theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt hạ du do xả lũ hỗ chứa; có biện pháp đảm bảo an toàn lưới điện phục vụ phòng chống thiên tai; chủ động cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho vùng lũ, lụt.

5. Sở Giao thông Vận tải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để phối hợp với các lực lượng có liên quan bảo đảm an toàn giao thông trên các trục chính.

6. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương ứng phó với thiên tai khi được yêu cầu, không để bị động, bất ngờ.

7. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại vùng thiên tai; chủ động hướng dẫn, phân luồng giao thông cho các tuyến đường bị ngập, kiểm soát phương tiện giao thông đường thuỷ; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương sơ tán người dân, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

8. Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan để kịp thời công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai.

9. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với mưa lũ.

10. Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thuỷ lợi Đắk Lắk theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động vận hành, điều tiết đảm bảo an toàn các công trình thuỷ lợi và an toàn vùng hạ du công trình hồ chứa nước.

11. Công ty Thuỷ điện Buôn Kuốp, Công ty cổ phần ĐTPT điện Đại Hải và các Chủ quản lý công trình thuỷ điện khác phối hợp với Sở Công thương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động vận hành, điều tiết đảm bảo an toàn các công trình thuỷ điện và an toàn vùng hạ du công trình hồ chứa nước.

12. Các Sở, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ lớn; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

13. Đài Truyền thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biễn bão lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

 

                                                                                                          Văn Thiện

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN M'DRẮK
Số 41 - Nguyễn Tất Thành - Thị trấn M'Drắk - Huyện M'Drắk - ĐắkLắk
Điện thoại: (0500) 3730324, Fax: (0500) 3731421 - Email: http://www.madrak@daklak.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Lê Văn Thao - Trưởng ban
Thiết kế bởi VNPT ĐẮKLẮK
06 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - Tel: 05003.845678
ipv6 ready