Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 4 năm 2024

Một số điểm mới của Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Ngày 18/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, ngày 19/07/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2017, trong đó có một số quy định mới được sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:

1. Bổ sung thêm quy định về các tiêu chí xác định đối tượng vi phạm hành chính là tổ chức, cụ thể:

Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;

Thứ hai, hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đồng thời Nghị định cũng quy định: Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

2. Bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành vào Khoản 3 Điều 5 Nghị định 81/2013/NĐ-CP, cụ thể:

Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại thì người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hoặc chỉ đạo người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính giải quyết theo quy định của pháp luật về thanh tra và khiếu nại.

3. Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hình thức văn bản giao quyền phải là Quyết định thay vì quy định hình thức chung chung là văn bản giao quyền như Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.

Đồng thời nghị định cũng bổ sung quy định việc giao quyền chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, Quyết định giao quyền hết thời hạn;

Thứ hai, Công việc được giao quyền đã hoàn thành;

Thứ ba, Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định;

Thứ tư, Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật;

Thứ năm, Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;

Thứ sau, Công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật;

Thứ bảy, Người giao quyền hoặc người được giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.”

4. Bổ sung quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính, cụ thể:

Những chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại các khoản 1, 2 Điều 38; các khoản 3, 4, 5 Điều 39; khoản 3 Điều 40; các khoản 4, 5, 6 Điều 41; các khoản 3, 4 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 Điều 43; các khoản 3, 4 Điều 44; các khoản 2, 3 Điều 45; các khoản 1, 2, 3, 5 Điều 46; Điều 47; các khoản 1, 2, 3 Điều 48; các khoản 2, 4 Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính có giá trị gấp 02 lần giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu của cá nhân vi phạm hành chính.

5. Sửa đổi, bổ sung quy định về người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, cụ thể:

1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.

Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.

Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.

6. Bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định về xử lý vi phạm hành chính; hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính.

7. Bổ sung quy định về việc áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Theo đó, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP quy định: Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định hình thức xử phạt này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể.”

Tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu tại Hạt Kiểm lâm huyện M’Drắk.

8. Bổ sung quy định về việc xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm, theo đó:

1. Trường hợp các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định trị giá hoặc số lượng của hàng cấm và khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm có tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo quy định tại Chương II Phần thứ hai Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định của nghị định xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm không thuộc trường hợp nêu trên thì không tiến hành xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính mà phải chuyển hồ sơ vụ việc đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc là người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó.

b) Nếu người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc không phải là người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc không phải là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hoặc người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước đó để ra quyết định xử phạt.

3. Thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm được thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 2 Điều 1, Nghị định này.

 

                                                                                                                                                   Phạm Đăng Đảng 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN M'DRẮK
Số 41 - Nguyễn Tất Thành - Thị trấn M'Drắk - Huyện M'Drắk - ĐắkLắk
Điện thoại: (0500) 3730324, Fax: (0500) 3731421 - Email: http://www.madrak@daklak.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Lê Văn Thao - Trưởng ban
Thiết kế bởi VNPT ĐẮKLẮK
06 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - Tel: 05003.845678
ipv6 ready