Thứ Ba, Ngày 16 tháng 4 năm 2024

Khó khăn thực hiện tiêu chí về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới ở huyện M’Drắk

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có 2 tiêu chí liên quan đến ngành GD&ĐT, đó là tiêu chí số 5: Trường học và tiêu chí số 14: Giáo dục. Mặc dù nhiều năm trở lại đây, huyện M’Đrắk đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo sự nghiệp giáo dục, nhưng đây vẫn là tiêu chí khó ở các địa phương.

Theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 5- Trường học quy định: Xã nông thôn mới phải có 70% trở lên trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; còn để đạt tiêu chí 14- Giáo dục thì xã phải đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở, có 70% trở lên học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp); có trên 25% lao động có việc làm qua đào tạo. Để từng bước đạt được tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện M’Đrắk và ngành giáo dục huyện thực hiện tốt công tác phối hợp với các địa phương đầu tư ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và sự ủng hộ tích cực của tầng lớp nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy và học cho các nhà trường. Trong năm học 2016-2017, Huyện cũng đã đầu tư gần 12 tỷ đồng xây mới và sửa chữa các hạng mục công trình và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho năm học mới; trong đó, Ngân sách nhà nước chi gần 09 tỷ đồng xây dựng mới 19 phòng học tại các trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cư Mta), Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Cư Prao), Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Cư Króa), Mầm non Hoa Plang (xã Ea Pil), Mần non Hoa Lan (xã Ea Trang), Mầm non Hoa Ban (xã Cư San)…, sửa chữa tường rào, phòng học, đổ bê tông sân chơi tại các trường: THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Jing), THCS Phan Đình Phùng (xã Krông Á), Tiểu học Phạm Hồng Thái, Tiểu học Lê Quý Đôn,…       

Tại xã Cư Króa, Thầy Nguyễn Anh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Cư Króa), cho biết: Mục tiêu để hoàn thành tiêu chí 14 là rất khó khăn, bởi địa phương chưa có trường THCS nên không đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị trường học hiện có rơi vào tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, tỷ lệ trẻ đến trường ở các thôn vùng sâu, vùng xa như thôn 7, thôn 9 còn hạn chế. Tại xã Cư San cũng gặp khó trong việc đảm bảo yêu cầu về đảm bảo tỷ lệ trẻ đến trường và cơ sở vật chất trường học. Điển hình như tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tô Hiệu, phần lớn học sinh ở xa trường, có em hàng ngày phải đi bộ hàng chục cây số. Thầy Nguyễn Đình Thiện, Hiệu trưởng Trường Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Tô Hiệu, chia sẻ: Để duy trì tỷ lệ học sinh đến trường và đảm bảo chất lượng dạy và học, nhà trường và phụ huynh học sinh đã xây dựng khu bán trú cho học sinh, tuy nhiên, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn do hạn chế về nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất. Hiện nay, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế nên nhiều trường còn phải học nhờ, học tạm, không có nhà đa năng, phòng bộ môn, thậm chí thiếu cả khu văn phòng, phải sử dụng phòng làm việc để làm kho chứa sách và thiết bị, thiếu tường rào, sân chơi; trang thiết bị dạy học chưa được bổ sung kịp thời và nhiều trường bán trú lại thiếu phòng ngủ của học sinh...

Bữa cơm bán trú tại Trường Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tô Hiệu giúp duy trì tỷ lệ trẻ đến trường tại xã Cư San

Huyện M’Đrắk hiện có 18/49 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia; các trường còn lại đảm bảo nhu cầu phòng học 1-2 ca; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 89%; thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu; 100% các trường có máy vi tính, có kết nối internet và ứng dụng tin học trong công tác quản lý. Từ năm 2016 đến nay, các xã đã vận động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp 637,3 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện có 02 địa phương đạt tiêu chí số 5 về Trường học là xã Ea Riêng và xã Ea Mdoal; 06 xã đạt tiêu chí 14 về Giáo dục là Ea Riêng, Ea Mdoal, Ea H’Mlay, Ea Pil, Ea Lai và xã Cư Mta.

Khởi công xây dựng điểm trường Thôn 7 – Trường MG Hoa P’lang (xã Ea Pil)

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện M’Đrắk: Để hoàn thành tiêu chí về Trường học và Giáo dục, Ngành GD&ĐT cũng đã và đang nỗ lực, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trong đó đặc biệt ưu tiên cho những trường thuộc kế hoạch đạt chuẩn quốc gia và vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2017, huyện đã đề nghị đầu tư xây dựng một số phòng học theo tiêu chuẩn và một số phòng chức năng cho các đơn vị trường học như Trường MG Hoa P’lang (xã Ea Pil), Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Mta), Trường THCS Trần Phú (xã Ea Lai) và xây dựng mới trường THCS tại xã Cư Króa... Đồng thời, tích cực vận động các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ cùng nhà trường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về việc học và tham gia công tác xã hội hóa giáo dục với hy vọng sẽ có thêm nhiều trường hoàn thành được tiêu chí về cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, góp phần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo đúng kế hoạch.

 

                                                                                                                       Thu Nguyệt

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN M'DRẮK
Số 41 - Nguyễn Tất Thành - Thị trấn M'Drắk - Huyện M'Drắk - ĐắkLắk
Điện thoại: (0500) 3730324, Fax: (0500) 3731421 - Email: http://www.madrak@daklak.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Lê Văn Thao - Trưởng ban
Thiết kế bởi VNPT ĐẮKLẮK
06 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - Tel: 05003.845678
ipv6 ready