TỔNG QUAN HUYỆN M'DRẮK
KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI
1. Khái quát về điều kiện tự nhiên
1.1. Vị trí địa lý: Huyện M’Drắk nằm về phía Đông của tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm hành chính tỉnh (TP Buôn Ma Thuột 100 km); huyện có 12 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên 133.748 ha, chiếm 10,18% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Dân số năm 2020 có 73.059 người, mật độ dân số bình quân 54 người/km2.
Có toạ độ địa lý:
- Vĩ độ Bắc: Từ 12027'10'' đến 12057'50'' .
- Kinh độ đông: Từ 108034'40'' đến 108059'50'' .
- Phía Bắc, Đông Bắc giáp tỉnh Phú Yên.
- Phía Đông, Đông Nam và phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa.
- Phía Tây, Tây Bắc giáp huyện Ea Kar và huyện Krông Bông.
Huyện có tuyến Quốc lộ 26 chạy qua nối liền thành phố Buôn Ma Thuột với thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa; tuyến Tỉnh lộ 13 nối liền với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên; tuyến đường Đông Trường Sơn (Đ35) nối liền với tỉnh Gia Lai và huyện Krông Bông; đây là điều kiện thuận lợi để huyện giao lưu với các huyện trên địa bàn Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, cũng là những nhân tố để huyện có những bước đi đột phá nhằm đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời hội nhập vào quá trình phát triển chung của tỉnh.
1.1.2. Địa hình: Huyện M’Drắk có 3 dạng địa hình chính như sau:
- Dạng địa hình núi cao sườn dốc: Diện tích 82.320 ha (61,5% diện tích tự nhiên), dạng địa hình này chạy dài liên tục theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, tạo ra khu vực ngăn cách giữa Duyên Hải và Tây Nguyên, độ cao trung bình trên 1.000 mét. Dạng địa hình này nằm chủ yếu ở xã Cư San, Ea Trang và Cư Króa.
- Dạng địa hình đồi đỉnh bằng chia cắt nhẹ: Diện tích: 33.700 ha (25,2% diện tích tự nhiên), là địa hình chuyển tiếp giữa địa hình núi cao và địa hình bằng thấp. Đây là dạng địa hình đồi bát úp có đỉnh bằng lượn sóng và chia cắt nhẹ. Đất đai chủ yếu là các loại đất có nguồn gốc đá mẹ: mác ma axít hoặc đá granít, một số diện tích bazan phủ tại khu vực Ea M’Doal, Ea Riêng và Ea H’Mlay. Độ cao trung bình từ 430 - 450m.
Địa hình thấp trũng: Diện tích: 17.728 ha (13,3% diện tích tự nhiên) phân bố ven theo các khe suối, hợp thủy, các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện, địa hình khá bằng phẳng đất đai chủ yếu là các nhóm đất phù sa, đất dốc tụ và đất xám, độ cao trung bình dưới 425 m.
1.1.3. Khí hậu: Theo số liệu quan trắc của trạm khí tượng thủy văn M'Drắk ở độ cao 428 mét có kết quả như sau:
Huyện M’Drắk có đặc điểm khí hậu nổi bật và khá đặc trưng so với các vùng khác của tỉnh Đắk Lắk. Mang đặc điểm của khí hậu cao nguyên nhiệt độ cao đều trong năm, lượng mưa trung bình nhiều năm trên 1.709 mm với hai mùa tương đối rõ nét và khí hậu Đông Trường Sơn mưa muộn kéo dài rất đặc thù. Ngoài ra khu vực huyện còn chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hoạt động lấn sâu vào phía Nam, áp thấp nhiệt đới và bão muộn đổ bộ vào các tỉnh ven biển Miền Trung từ Khánh Hoà trở vào gây ra mưa vừa đến mưa to có khi rất to trên diện rộng trong nhiều ngày, kèm theo lũ quét làm hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi.
* Nhiệt độ: Nhiệt độ cao đều trong năm, trị số nhiệt độ cao nhất: 39,5oC - 40oC (tháng 4) và nhiệt độ thấp nhất 11,6oC (tháng 12 và tháng 1, chu kỳ xuất hiện khoảng 50 năm). Biên độ nhiệt độ giữa các tháng trong năm 6oC, cao hơn các vùng trong tỉnh từ 1-3oC, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn: 9 - 12oC . Nhiệt độ trung bình năm là 23,1oC và nhiệt độ bình quân tháng cao nhất là 28,4oC và nhiệt độ bình quân tháng thấp nhất là 20,3oC.
* Chế độ mưa: Nằm trong vùng có lượng mưa khá lớn (trên 1709 mm/năm) và chia thành hai mùa:
- Mùa mưa với lượng mưa trên 100 mm/tháng: mưa bắt đầu từ tháng 5 kết thúc vào tháng 12, do ảnh hưởng của mưa Đông Trường Sơn nên M’Drắk có thời gian mưa kéo dài hơn so với vùng Buôn Ma Thuột. Mùa mưa ở Đắk Lắk nói chung và cao nguyên M’Drắk nói riêng phù hợp với quá trình xâm nhập của gió mùa mùa hạ từ tháng năm trở đi. Hoàn lưu gió Tây Nam với bản chất nóng ẩm và tương đối ổn định, thay thế hoàn lưu gió mùa Đông Bắc, khống chế thời tiết khu vực cao nguyên Đắk Lắk. Tổng lượng mưa chiếm tới trên 80 - 90% tổng lượng mưa cả năm. Mưa cực đại vào các tháng 10, tháng 11 tại khu vực M’Drắk và vào tháng 8, tháng 9 tại các vùng khác. Đây cũng là thời điểm trùng với bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ và cũng là thời kỳ xảy ra các trận lũ quét gây nhiều thiệt hại về nhà cửa và các công trình thủy lợi, giao thông.
- Mùa khô, lượng mưa trung bình dưới 100 mm/tháng, thường bắt đầu từ tháng 12 trên các vùng của cao nguyên Đắk Lắk và kết thúc mùa khô vào tháng 4 năm sau. Do ảnh hưởng của hoàn lưu gió mùa Đông Bắc có nguồn gốc lục địa khô và lạnh bị biến tính do quá trình di chuyển trên biển, hấp thu thêm nhiệt ẩm, không khí trở nên ẩm và khô, khi vào tới đất liền gặp dãy Trường Sơn án ngữ phía Đông, khối không khí này bị nâng cao gây nhiễu động tới quá trình ngưng kết gây ra mưa ở phía Đông Trường Sơn trước khi xâm nhập cao nguyên Đắk Lắk. Sau khi bị mất nước sẽ trở nên khô và lạnh, xâm nhập lãnh thổ Đắk Lắk đã gây ra khô và lạnh trên cao nguyên Đắk Lắk đặc biệt từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Riêng khu vực cao nguyên M’Drắk còn chịu ảnh hưởng của mưa Đông Trường Sơn nên trong các tháng 10, tháng 11 lượng mưa còn cao và ẩm ướt.
* Chế độ ẩm và lượng bốc hơi nước:
- Độ ẩm không khí trung bình năm: 84%, các tháng có độ ẩm không khí cao từ 85 - 89% là từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, các tháng còn lại độ ẩm không khí trung bình 79 - 80%.
- Lượng bốc hơi nước trong năm trung bình 809 mm bằng 47,32% tổng lượng mưa năm. Các tháng có lượng bốc hơi lớn nhất: từ tháng 3 đến tháng 5 lượng bốc hơi trung bình từ 89,5 – 99,1 mm/ tháng. Tổng lượng bốc hơi trong các tháng mùa khô từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau: 419,80 mm, gấp 2,16 lần lượng mưa cùng thời kỳ.
Khí hậu đặc thù nổi bật của cao nguyên M’Drắk: Vừa mang đặc điểm khí hậu Cao nguyên nóng ẩm và mưa nhiều vừa chịu ảnh hưởng của khí hậu Đông Trường Sơn mưa muộn kéo dài do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới hoặc nhiễu động khí quyển tại các tỉnh Nam Trung Bộ.
1.1.4. Thuỷ văn
Huyện M’Drắk nằm trên lưu vực sông Ba và sông Krông Pắk (phía Tây Nam - địa phận xã Krông Á và một phần xã Cư San).
* Hệ thống sông Ba: Có hai nhánh sông chính, gồm:
- Sông Krông Hnăng: Chiều dài 129 km, làm thành ranh giới tự nhiên giữa huyện M’Drắk với huyện Ea Kar. Sông có nhiều nhánh chảy qua địa phận của các xã: Krông Jing, Cư Prao, Ea Pil và Ea Lai cung cấp nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của khu vực này. Sông Krông Hnăng có các nhánh chảy qua trung tâm huyện, tạo ra thác Dray K’náo ở xã Krông Jing và thác Ea Bưr (xã Ea Lai).
- Sông Krông Hin: Chiều dài sông 88 km, sông có cấu trúc chảy bậc thang, đã hình thành nên nhiều thác có khả năng làm thủy lợi, thủy điện và tạo thêm dáng vẻ đẹp cho cảnh quan thiên nhiên: như thác Ea M’Doal (xã Ea M’Doal), thác Bay (xã Cư Króa), thác Ea Krông (xã Ea Trang).
* Hệ thống sông Krông Pắk: Ngoài hai con sông chính nói trên thuộc hệ thống sông Ba, khu vực ranh giới phía Tây Nam của huyện còn một nhánh sông Krông Pắk chảy theo ranh giới huyện với chiều dài nhánh chính khoảng 15km, sông này cung cấp nguồn nước cho khu vực dân cư xã Krông Á và một phần của xã Cư San.
* Hồ chứa: Theo thống kê trên địa bàn của huyện có 48 hồ thủy lợi đã được xây dựng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tạo cảnh quan môi trường.
1.2. Các nguồn Tài nguyên
1.2.1. Tài nguyên đất: Theo kết quả điều tra phân loại đất trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000, 1/50.000 năm 1978 và phúc tra lại trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 năm 1995 và điều chỉnh bổ sung năm 2005. Trên địa bàn huyện gồm các nhóm đất sau:
* Nhóm đất phù sa: Diện tích 1.845 ha (chiếm 1,38% diện tích tự nhiên), gồm có phù sa được bồi (Pb) có diện tích 390 ha và đất phù sa ngòi suối (Py) có diện tích 1.455 ha. Đất có đặc trưng màu nâu xám, cấu tượng khá tốt, tầng đất dày, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, đất có phản ứng chua. pH(Kcl): 4 - 4,5, lân hữu cơ tầng mặt: 1- 3%, đạm tổng số: 0,1 - 0,25%, nghèo lân: 0,02 - 0,025. Nhóm đất phù sa phân bố chủ yếu ở các xã Cư San, Krông Jing, Ea Lai, Ea Riêng, Krông Á…
* Nhóm đất xám (Xa): Diện tích 11.929 ha (8,93% diện tích tự nhiên), phân bố tập trung tại xã Krông Jing. Cư Króa và xã Ea Pil... Đất được hình thành trên mẫu chất phù sa cổ sản phẩm phong hóa là đá granít, có 3 đơn vị phân loại: đất xám trên phù sa cổ, đất xám trên Granít và đất xám bạc màu. Đất có cấu tượng rời rạc, thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt nhẹ, đất chịu ảnh hưởng của quá trình sói mòn rửa trôi, tầng đất mỏng, có phản ứng chua: pH (kcl): 4 - 4,5, hàm lượng hữu cơ thấp: 0,02 - 0,03%, đạm tổng số trung bình thấp: 0,11 - 0,12%, lân tổng số nghèo: 0,02 - 0,03%.
* Nhóm đất đen: Diện tích 55 ha, (0,04% diện tích tự nhiên), đất phân bố tại buôn Ba xã Cư Prao. Đất được hình thành trên sản phẩm bồi tụ của đất bazan trên các địa hình thấp và trũng. Thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, đất ít chua, pH từ 5,5 -5,8. Giàu chất hữu cơ (3,0%) giàu đạm (0,3%), hàm lượng lân trung bình : 0,05 - 0,85%, tầng đất mỏng.
* Nhóm đất đỏ vàng: Chiếm diện tích lớn nhất 109.570 ha (81,9% diện tích tự nhiên) phân bố trên diện rộng tập trung khu vực xã Ea M’Doal, Ea Riêng, Ea H’Mlay và phía Đông Nam của huyện. Do nguồn gốc đá mẹ phát sinh, nên có các đơn vị phân loại: Đất đỏ vàng phát triển trên đá bazan diện tích 9.154 ha, phân bố tập trung tại địa bàn các xã: Ea M’Doal, Ea Riêng, Ea HMlay, Ea Lai, Krông Jing và buôn Pa xã Cư Prao. Đất có tầng dày trên 70 cm, thành phần cơ giới thịt nặng, kết cấu viên cục độ xốp cao thấm nước và thoát nước tốt, phản ứng chua pH (kcl): 4 - 4,5, chất hữu cơ: 3-3,5%, giàu đạm (0,3%), lân trung bình (0,08 - 0,15%). Hầu hết diện tích đã được khai phá trồng cà phê.
Trong nhóm đất này còn có các đơn vị phân loại: đất đỏ vàng trên đá phiến sét, đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa và đất vàng đỏ trên đá granít, có diện tích 10.342,80 ha (7,74% diện tích tự nhiên), hàm lượng hữu cơ trung bình (1,5%), đạm trung bình (0,1- 0,15%). Đất thích hợp với các cây ngắn ngày và chăn nuôi bò. Nếu có nguồn nước tưới thì vẫn có khả năng trồng cây dài ngày.
Trên địa bàn huyện còn các nhóm đất: Đất mùn trên núi cao (Ha) diện tích 6.930 ha, đất dốc tụ thung lũng (D) diện tích 1.010 ha.
1.2.2. Tài nguyên nước
* Nguồn nước mặt: M’Drắk nằm trên lưu vực sông Krông Pắk và hệ thống sông Ba. Đây là những sông chính cung cấp nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Hệ thống sông Ba cung cấp cho 80% nhu cầu sử dụng nước trong địa bàn toàn huyện, bao gồm: nhánh sông Krông H’năng và nhánh sông Krông Hin.
* Nước ngầm: Hiện tại chưa có tài liệu tìm kiếm và thăm dò nguồn nước ngầm một cách hoàn chỉnh và đầy đủ, nhưng theo kết quả dự báo về nguồn nước ngầm của liên đoàn địa chất 704 công bố năm 1994, thì phần lớn tầng địa chất của huyện đều rất nghèo nước ngầm, nguồn nước ngầm vào loại hiếm và lưu lượng thấp.
1.2.3. Tài nguyên rừng
Kết quả kiểm kê đất đai năm 2014, tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn huyện có 72.279,58 ha, chiếm 54,04% diện tích tự nhiên; trong đó đất rừng phòng hộ 32.990,17 ha, chiếm 45,7% diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng sản xuất 39.289,41 ha, chiếm 54,3% diện tích đất lâm nghiệp của huyện.
Diện tích đất rừng phòng hộ của huyện chủ yếu tập trung tại xã Cư Króa, Cư San, Krông Á và Ea Trang, phần lớn là diện tích rừng tự nhiên phòng hộ, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, phòng chống xói mòn sạt lở đất.
Thực vật ở đây rất phong phú đa dạng, có nhiều gỗ quý và thú rừng, nhưng trữ lượng gỗ còn lại rất thấp và thú rừng cũng đang cạn kiệt dần bởi nạn săn bắn trái phép.
1.2.4. Tài nguyên khoáng sản:
Trên địa bàn huyện tài nguyên khoáng sản không nhiều, chủ yếu là các loại nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như: Cát, đá, đất sét sản xuất gạch ngói... trong đó có một số mỏ đã được quy hoạch như: mỏ đá hoa Chư Hrah (xã Cư Prao), điểm vàng Ea HMlay (xã Ea H’Mlay), khoáng sản tc-asb, srp,dmn (xã Krông Á), điểm vàng xã Krông Á; các mỏ đá xây dựng như mỏ Cư Drao xã Ea Lai quy mô 5,0 ha, trữ lượng 588.380 m3, mỏ thôn 10 xã Ea M’Doal (diện tích 2,28 ha, trữ lượng 92.400 m3), mỏ Cư MTa – Ea Riêng (quy mô 1,9 ha, trữ lượng 228.000m3).
1.3. Thực trạng môi trường:
Mật độ dân số ở mức thấp (54 người/km2), công nghiệp chưa phát triển, độ che phủ thực vật 48,0% nên vấn đề ô nhiễm môi trường không lớn. Tuy nhiên, ô nhiễm rác thải sinh hoạt cũng đang báo động, nhất là các khu vực dân cư tập trung, khu vực quanh chợ, khu trung tâm xã, thị trấn, thiếu địa điểm xử lí và chôn lấp rác thải.
Trong những năm gần đây do áp lực gia tăng dân số, cùng với quá canh tác nông nghiệp sử dụng quá lớn các chế phẩm hoá học để trừ sâu, diệt cỏ dại và phân hoá học, quá trình đô thị hóa nông thôn, gia tăng mức độ khai thác các nguồn tài nguyên làm tăng mức độ ô nhiễm của nguồn nước, không khí và đất gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và sinh hoạt của người dân.
1.4. Khái quát thực trạng kinh tế, xã hội
1.4.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch kinh tế
a. Tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2015 so với năm 2014 đạt 10,9%.
b. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngàng công nghiệp – xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Năm 2015 tỷ trọng nông lâm nghiệp (giá 2010) chiếm 64,5%, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 18,2%; thương mại - dịch vụ chiếm 17,3%.
1.4.2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế:
1.4.2.1. Khu vực kinh tế nông, lâm, thủy sản
a. Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng năm 2015 là 32.268 ha; trong đó; cây hàng năm 28.062 ha; cây lâu năm có 4.206 ha.
b. Chăn nuôi: Đàn gia súc, gia cầm được duy trì nâng cao chất lượng hướng tới thị trường về hiệu qủa chăn nuôi (để đảm bảo cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi). Năm 2015 đàn trâu bò có 17.388 con, tỷ lệ bò lai chiếm trên 40% tổng đàn; đàn heo 45.033 con; đàn gia cầm 371.408 con .
c. Lâm nghiệp: Đã có chuyển biến cơ bản về nhận thức, chuyển từ chủ yếu dự vào khai thác gỗ theo kế hoạch sang trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng; một số doanh nghiệp và hộ gia đình đã đầu tư trồng rừng đem lại hiệu quả cao; tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2015 đạt 49,1%.
1.4.2.2. Khu vực kinh tế công nghiệp – xây dựng
Huyện đã hoàn thiện quy hoạch cụm công nghiệp và đang triển khai đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho cụm công nghiệp; một số công ty, doanh nghiệp đã lập dự án xin đầu tư xây dựng nhà máy trong cụm công nghiệp (Công ty TNHH Trường Thành, Công ty TNHH Tam Phát, Công ty Lâm nghiệp M’Drắk…). Ngoài ra các ngành nghề như sản xuất gạch ngói, khai thác cát đá, mộc dân dụng, xay xát, gò hàn…ở các xã, thị trấn có bước phát triển đáng kể góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập của người dân.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản đã được chú ý ưu tiên cho các công trình trọng điểm. Trong xây dựng đảm bảo các quy trình về đầu tư. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nên công trình được triển khai đảm bảo về chất lượng và hiệu quả sử dụng sau khi nghiệm thu bàn giao.
1.4.2.3. Khu vực kinh tế thương mại, dịch vụ
- Thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ năm 2015 đạt 760 tỷ đồng; năm 2015 toàn huyện có 1.723 cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại – dịch vụ.
- Mạng lưới chợ: Từng bước đầu tư, nâng cấp chợ trung tâm huyện và quy hoạch phát triển chợ nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng và trao đổi hàng hóa của người dân, hiện nay huyện có 6 chợ loại 3 phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân trong huyện.
- Điện lực: Tỷ lệ sử dụng điện là 99,42% thôn, buôn có điện và 97,5% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới.
- Bưu chính - viễn thông: Dịch vụ bưu chính – viễn thông trong những năm qua có sự phát triển khá, số thuê bao điện thoại và dịch vụ Internet tăng nhanh, nhất là điện thoại di động. Đến nay, 100% xã, thị trấn cho hệ thống điện thoại, hộ dân nối mạng internet đạt 8,5%. Hoạt động bưu chính được đảm bảo, dịch vụ chuyển, phát thư, báo trong ngày đến tất cả các xã trong huyện.
- Vận tải: Hệ thống giao thông được nâng cấp và ngày càng hoàn thiện đã tạo điều kiện cho dịch vụ vận tải phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân.
1.4.3. Dân số, lao động
a. Dân số: Năm 2015 dân số toàn huyện có 72.638 người, trong đó: Dân số thành thị có 5.590 người, chiếm 7,7% dân số của toàn huyện; nam giới có 35.700 người, chiếm 49,5%. Dân cư của huyện phân bố không đồng đều giữa các đơn vị hành chính xã, đa số tập trung với mật độ cao tại thị trấn M’Drắk 852 người/km2, thấp nhất là xã Cư Króa 15,8 người/km2.
Năm 2015 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,5%, giảm 0,02% so với năm 2014.
b. Lao động và việc làm: Năm 2015, số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện có 37.572 người, chiếm 52,5% tổng dân số của huyện. Trong đó, lao động đang làm việc trong các ngành nghề kinh tế 30.238 người, chia ra:
- Lao động trong ngành nông lâm nghiệp – thủy sản là 26.912 người, chiếm 89% số lao động đang làm việc trong các ngành nghề kinh tế.
- Số lao động làm việc trong ngành Công nghiệp – xây dựng là 1.511 người, chiếm 5% số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế.
- Số lao động làm việc trong ngành kinh doanh thương mại – dịch vụ là 1.815 người, chiếm 6% số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 7,5%
c. Thu nhập và mức sống:
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2014 còn 3,59%, năm 2015 giảm xuống còn 3,50% (giảm 0,05% so với năm 2014). Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, năm 2014 mức thu nhập bình quân đầu người đạt 20,6 triệu đồng; năm 2015 tăng lên 23,1 triệu đồng.
1.4.5. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng
a. Giao thông
- Đường quốc lộ, tỉnh lộ:
+ Đường Quốc lộ: Quốc lộ 26 chạy qua thị trấn M’Drắk và các xã: Ea Pil, Krông Jing, Cư M’ta và xã Ea Trang, chiều dài chạy qua huyện là 48 km, đường đã được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi (mặt rải bê tông nhựa, công trình thoát nước vĩnh cửu). Đường Đông Trường Sơn chạy qua các xã Cư Prao, Ea H’Mlay, Ea Lai, Krông Jing, Krông Á.
+ Đường tỉnh lộ: Tỉnh lộ 13 nối quốc lộ 26 tại xã Krông Jing đi tỉnh Phú Yên qua địa bàn các xã Ea Lai và Cư Prao. Đoạn chạy qua địa bàn huyện là 31 km, mặt được đã được trải nhựa tương đối hoàn chỉnh nhưng nay đã xuống cấp.
- Đường huyện: có 5 tuyến huyện lộ với tổng chiều dài 97 km, trong đó đường trải nhựa có 85km, chiếm 87%, đường đất có 12 km, chiếm 13%. Hiện một số tuyến đường huyện được trải nhựa đã xuống cấp, đi lại gặp nhiều khó khăn.
- Đường xã: Có tổng chiều dài là 209,4 km, trong đó đường cấp phối là 41,7 km, đường đất 167,7 km.
- Đường đô thị: Toàn bộ là đường nội bộ thị trấn M’Drắk, với tổng chiều dài là 21,6 km. Hệ thống giao thông đô thị của huyện đang được đầu tư, nâng cấp nên chất lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, ảnh hưởng rất lớn tới tiêu thụ hàng hóa giữa trung tâm huyện và các xã.
b. Thủy lợi:
Trên địa bàn huyện có 60 công trình thủy lợi (có 48 hồ chứa nước và 12 đập), chủ yếu là các công trình thủy nông, tổng trữ lượng nước trên 15,6 triệu m3, đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 3.289 ha đất nông nghiệp..
c. Năng lượng, bưu chính viễn thông
Huyện M’Drắk được cấp điện từ hệ thống nguồn và lưới điện Quốc gia qua đường dây 110/220kV. Ngoài lưới điện Quốc gia trên địa bàn huyện còn có trạm thủy điện Krông Hing đã hòa vào lưới điện Quốc gia, và các trạm thủy điện nhỏ như: thủy điện Ea M’Doal II, Ea M’Doal III. Tổng chiểu dài đường dây hạ thế khoảng 103km.
Hoạt động truyền thanh - truyền hình được cải thiện, nâng cao chất lượng tiếp, phát sóng các đài địa phương và trung ương đến từng thôn bản. Tỷ lệ hộ xem truyền hình là 95%, đến nay 100% xã, thị trấn có trạm truyền thanh.
d. Cơ sở văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng
Hệ thống thiết chế văn hóa- thông tin được xây dựng, đến nay huyện đã có 01 Trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, 1 công viên văn hóa thiếu nhi. Năm 2015, số thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa đạt 68,8%; cơ quan đơn vị văn hóa đạt 94%; gia đình văn hóa đạt 76,3% và có 39/39 buôn có nhà văn hóa cộng đồng; 100% tổ dân phố có hội trường tổ dân phố, 39/40 thôn buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Về thể dục – thể thao: có 1 sân vận động của huyện (TT M’Drắk), 75% thôn buôn, tổ dân phố có sân tập luyện thể dục thể thao; mỗi xã, thị trấn có sân tập thể thao.
e. Cơ sở y tế: Mạng lưới y tế đã được xây dựng từ huyện xuống xã bảo đảm chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, thực hiện tốt các chương trình y tế. Huyện có 01 bệnh viện đa khoa và 13 trạm y tế xã, thị trấn.
Đến nay có 13/13 xã, thị trấn đã có trạm y tế xã (9/13 xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế chiếm 54%); có 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ; bình quân có 5,2 bác sỹ và 17 giường bệnh/vạn dân; có 173 cán bộ y tế thôn, buôn.
g. Cơ sở giáo dục - đào tạo
Toàn huyện có 53 đơn vị trường học, trong đó; 52 trường học, 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên.
1.4.5. Quốc phòng - An ninh: Công tác quân sự địa phương luôn được các cấp Uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Tinh thần cảnh giác và nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới được nâng lên.
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tăng cường khả năng phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là những địa bàn trọng yếu. Kết hợp đẩy mạnh các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội; nắm chắc tình hình, điều tra, giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng và bức xúc trong nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.