Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 4 năm 2024

Nông dân xã Ea Pil được mùa vải ngọt

Những ngày đầu tháng 5 này, xã Ea Pil (huyện M’Drắk) bước vào thu hoạch vải, không khí tấp nập, nhộn nhịp người mua bán. Năm nay, người trồng vải xã Ea Pil rất phấn khởi bởi vụ thu hoạch được mùa, được giá.

 

Những ngày này, vườn vải của gia đình ông Phạm Văn Nguyên ở thôn 2, xã Ea Pil nhộn nhịp không khí thu hoạch khi hàng chục nhân công tích cực thu hái những chùm vải chín đỏ. Để đáp ứng nhu cầu của thương lái từ Chợ đầu mối Thủ Đức (Tp.Hồ Chí Minh) ra mua gom, từ 4 giờ sáng, 15 nhân công và gia đình phải thắp đèn thu hái, vận chuyển, lựa chọn, đóng gói vào các thùng và chất lên các xe tải đã chờ sẵn. Không khí làm việc khẩn trương, nhộn nhịp và rộn rã tiếng cười.

Ông Phạm Văn Nguyên bên vườn vải đang vào mùa thu hoạch

Ông Nguyên cho biết: gia đình có 1,2 ha đất khô cằn, sỏi đá, trước đây đã thử nghiệm qua nhiều loại cây trồng như cà phê, mía, đậu,… nhưng không hiệu quả. Năm 2009, sau khi đi học hỏi các mô hình kinh tế tại huyện Ea Kar, phân tích chất đất và điều kiện khí hậu, ông Nguyên quyết định trồng thử nghiệm 200 gốc vải giống Ú Hồng (Bắc Giang) với chi phí đầu tư vỏn vẹn 15 triệu đồng, gồm 10 triệu tiền cây giống, 5 triệu đồng tiền phân bón và thuốc phòng trừ mầm bệnh, cày ải đất,… còn lại ngày công đào hốc và xuống giống do anh em hàng xóm giúp đỡ. Sau 3 năm, vườn vải cho thu bói vụ đầu tiên gần 2 tấn tươi, với giá bán 30.000 đồng/kg, gia đình ông thu lãi gần 40 triệu đồng. Đến nay, vườn vải đã cho thu hoạch vụ thứ 4, sản lượng dự kiến khoảng 10 tấn, được các thương lái thu mua tại vườn với giá 50.000 đồng/kg, mang lại cho gia đình thu nhập 400 triệu đồng (sau khi trừ chi phí).

Trên địa bàn xã EaPil còn nhiều hộ dân khác hiện cũng đang trồng thử nghiệm 44,1 ha vải tại 12/14 thôn, trong đó: thôn 10 trồng 13 ha; thôn 5 trồng 7 ha; thôn 2 trồng 5 ha; thôn 3 trồng 5 ha,... các thôn còn lại từ 2-3 ha. Theo nhận định của một số nông dân, cây vải có thể làm giàu nhưng cũng là cây trồng rất khó tính, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc thật tỉ mỉ. Đối với khí hậu vùng Tây Nguyên, quả vải lúc chín cần nhiệt độ từ 25 – 350C, do đó, nếu ra hoa vào thời điểm cuối tháng 12, thì cây vải sẽ cho ra quả vào tầm tháng 5. Đây cũng chính là bí quyết được giá của vải Tây Nguyên, vải chín trong khung thời vụ từ 1 đến 20-5 (âm lịch), lúc này vải miền Bắc chưa chín nên thị trường rất tiềm năng, có nhiều lợi thế về giá và được thương lái tại chợ đầu mối, các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiêu thụ rất nhanh chóng.

Mùa vải ngọt của xã Ea Pil những năm gần đây và thị trường tiềm năng hiện nay khiến cây vải trở thành lựa chọn của nhiều nông hộ trong việc chuyển đổi cây trồng, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, đặc tính của cây vải là khi phân hóa mầm hoa thì cây cần nhiệt độ lạnh trong khi thời tiết của huyện M’Drắk không ổn định; vì vậy, người dân cũng cần nghiên cứu kỹ đặc điểm khí hậu từng vùng, có sự cân nhắc, lựa chọn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó lựa chọn phương án tối ưu nhất.

                                                                                                                                     Tin:  Thu Nguyệt

 

 

Tin đã đưa

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN M'DRẮK
Số 41 - Nguyễn Tất Thành - Thị trấn M'Drắk - Huyện M'Drắk - ĐắkLắk
Điện thoại: (0500) 3730324, Fax: (0500) 3731421 - Email: http://www.madrak@daklak.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Lê Văn Thao - Trưởng ban
Thiết kế bởi VNPT ĐẮKLẮK
06 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - Tel: 05003.845678
ipv6 ready