Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 4 năm 2024

Phụ nữ Huyện M’Drắk giúp nhau phát triển kinh tế

Trong thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện M’Drắk đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tạo ra nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để giúp chị em phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Theo bà Phạm Thị Thu Dương, Chủ tịch Hội phụ nữ Huyện M’Drắk, cho biết: Để có nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở phát động xây dựng mới 97 mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” được 8.880 kg, 89 mô hình “Nuôi heo đất” với 211 con heo trị giá 445 triệu đồng, 82 mô hình “Ống tiền tiết kiệm” với số tiền 284 triệu đồng và nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh gần 61 triệu đồng... Qua đó, đã giúp cho 509 chị em hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, phong trào Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo được các cấp Hội duy trì và phát triển rộng khắp, đã xây dựng được 51 nhóm tín dụng tiết kiệm với số tiền 505 triệu đồng cho 161 chị vay; 76 tổ hùn vốn với số tiền 1,6 tỷ đồng giúp cho 300 chị vay; 03 tổ hùn thóc 5.300 kg giúp cho 03 chị vay và 635 ngày công giúp cho 94 chị có hoàn cảnh khó khăn...

Như tại xã Ea Pil, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng chị em phụ nữ đã có những việc làm thiết thực để giúp chị em phụ nữ nghèo. Chị Nông Thị Xuân, ở thôn 7, xã Ea Pil chia sẻ: “Mỗi hội viên trong chi hội đóng góp 60.000 đồng/năm. Số tiền tuy nhỏ nhưng được đông đảo hội viên ủng hộ nên đã giúp 02 chị em thoát nghèo. Quan trọng hơn, khi nhận được nguồn vốn là tấm lòng của chị em là động lực, giúp hội viên phụ nữ nghèo đã nhận thức được ý nghĩa và sử dụng đồng vốn hiệu quả, từ đó vươn lên thoát nghèo”. Từ nguồn hỗ trợ của hội viên địa bàn xã Ea Pil đóng góp, cuối tháng 9 vừa qua, Hội LHPN xã Ea Pil, huyện M’Đrắk đã trao tặng 01 bò sinh sản cho chị Triệu Thị Điệp - hội viên chi hội phụ nữ thôn 14, là hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: chồng bị bệnh hiểm nghèo nhiều năm liền, vừa mất, bản thân chị không có nghề nghiệp ổn định, đồng thời đang nuôi con nhỏ. Xúc động trong ngày nhận bò, chị Triệu Thị Điệp nói: Với con bò giống sinh sản được trao tặng sẽ giúp gia đình có thêm việc làm tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo.

Trao tặng 01 bò sinh sản cho chị Triệu Thị Điệp

Còn với chị Nguyễn Thị Liệu ở Thôn 4, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk, sau nhiều năm lam lũ, vất vả, được Hội phụ nữ tạo điều kiện, đứng ra tín chấp Ngân hàng CSXH cho vay nguồn vốn 30 triệu đồng đầu tư đàn giống và xây dựng chuồng nuôi gà rộng trên 40m2 và khu vực chăn thả rộng trên 70 m2, vợ chồng chị đã tìm được hướng phát triển kinh tế từ chăn nuôi gà lai chọi. Chị Liệu phấn khởi cho hay: mỗi lứa chị nuôi khoảng 1.000 con với phương pháp gối đầu, mỗi năm nuôi được 2-3 lứa, trừ chi phí mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/lứa, kinh tế gia đình ổn định, chị đã sắm sửa các vật dụng thiết yếu phục vụ gia đình, đầu tư cho con cái ăn học.


Mô hình nuôi gà thả vường tại xã EaPil

Là một điển hình Hội cơ sở học tập và làm theo Bác, Hội LHPN xã Cư Prao (huyện M’Đrắk) hiện có 662 hội viên, sinh hoạt ở 15 chi hội. Chị Vũ Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Prao, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, các hội viên duy trì đều đặn hành động tiết kiệm xây dựng Quỹ Học tập và làm theo Bác để hỗ trợ sữa chữa 05 nhà ở cho hội viên nghèo ở buôn Pa, buôn Năng, buôn Hoang, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cho 04 hội viên ở thôn 6, thôn 10... Ở các chi hội cũng tích cực xây dựng các mô hình làm theo lời Bác, mỗi hội viên tự nguyện đóng góp từ 01 kg gạo và 10.000 đồng trở lên, đến nay, hội đã xây dựng được nguồn quỹ trên 55 triệu đồng và gần 02 tấn gạo để giúp đỡ hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.

Còn tại xã Krông Jing hiện có 1.089 hội viên, trong đó 80% hội viên là người dân tộc thiểu số. Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xoá đói giảm nghèo”, bên cạnh nguồn quỹ chị em giúp nhau giảm nghèo bền vững, tổ chức Hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nên nhiều hộ gia đình chị em phụ nữ đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho năng suất cao, như chị H’Nga Byă (buôn M’Suốt), chị H’Men Niê (buôn Bik) với mô hình sản xuất giống lúa lai và mỳ cao sản năng suất cao thay thế các giống truyền thống, thu nhập trên 50 triệu đồng/vụ; chị Blớt Bya (buôn Nhang) với mô hình chăn nuôi heo sinh sản... Từ đó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tỷ lệ hộ nghèo nhất là hội viên phụ nữ nghèo ngày càng giảm chỉ còn dưới 40%, đời sống văn hoá - xã hội ngày càng nâng cao.

Việc giúp nhau phát triển kinh tế đã tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ cải thiện cuộc sống và đóng góp vào các phong trào thi đua ở địa phương. Chị em phụ nữ cũng tích cực vận động gia đình, thôn xóm hiến 6.050 m2 đất làm đường, 571 ngày công lao động và trên 95 triệu đồng tu sửa, làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa hội trường thôn và làm khu vui chơi, sân bóng chuyền thôn... Theo chị H’Ven Hdok, chi hội trưởng chi hội phụ nữ Buôn M’Bơn A, xã Ea Trang: “Với điều kiện thực tế xa chợ trung tâm nên phụ nữ xã Ea Trang lựa chọn học tập theo Bác bằng việc tận dụng đất trồng rau sạch, chăn nuôi gà, vịt, heo, dê... để sử dụng hàng ngày, vừa có nguồn thực phẩm sạch đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình, vừa tiết kiệm chi tiêu...”

Với nhiều cách làm hay, mô hình, điển hình tiên tiến, việc học tập và làm theo lời Bác của phụ nữ huyện M’Đrắk đã trở thành một việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện.

 

                                                                                                                                    Thu Nguyệt

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN M'DRẮK
Số 41 - Nguyễn Tất Thành - TDP 6 - Thị trấn M'Drắk - Huyện M'Drắk - ĐắkLắk
Điện thoại: (0262) 3730324, Fax: (0262) 3731421 - Email: http://www.madrak@daklak.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Lê Văn Thao - Trưởng ban
Thiết kế bởi VNPT ĐẮKLẮK
06 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - Tel: 05003.845678
ipv6 ready