Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 4 năm 2024

Người phụ nữ lưu giữ tiếng đàn Tính trên đất Tây Nguyên.

Từ lâu tiếng đàn tính và làn điệu hát Then của người dân tộc Tày (Cao Bằng) đã không còn xa lạ với người dân Ea Pil, M’Drắk. Người góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc của người dân tộc miền núi phía bắc trên đất Tây Nguyên phải kể đến chị Trương Thị Huyên, thôn 12, xã Ea Pil, huyện M’Drăk.

Là một người con dân tộc Tày, quê ở xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Năm 1997 cuộc sống ở quê nhà khó khăn, chị cùng với một số hộ gia đình rời quê hương vào thôn 12, xã Ea Pil lập nghiệp. Vốn yêu thích và học đánh đàn tính khi mới 8 tuổi từ những người già, anh chị cùng quê; khi đặt chân lên quê hương mới mặc dù niềm đam mê với chiếc đàn tính và điệu hát Then vẫn luôn thường trực trong lòng, thế nhưng cuộc sống với bao vất vả, khó khăn khi ở trên quê hương mới đất đai vốn liếng ít, bản thân còn nhiều lạ lẫm với phong tục tập quán nơi đây và phần nhiều phải lo cho cuộc sống hằng ngày nên chị đành gác lại niềm đam mê của mình. Năm 1999, nhờ chăm chỉ làm ăn cuộc sống của gia đình chị bớt đi phần khó khăn, ao ước được nghe tiếng đàn tính và làn điệu hát Then lại trỗi dậy. Bằng sự khéo léo với những dụng cụ như quả bầu già, cần gỗ chị Huyên tự mày mò chế tạo ra chiếc đàn tính của quê hương. Khi có đàn, chị lại hăng say luyện tập lại những làn điệu cơ bản của làn điệu hát Then và những làn điệu kèm sáo trúc như hát Phong sư, làn điệu lượn nàng ới…và tự sáng tác thêm một số làn điệu như: Ea Pil đổi mới, ơn Đảng ơn Bác Hồ…

Chị Trương Thị Huyên bên chiếc đàn Tính

Để lưu giữ và phát huy tiếng đàn tính điệu hát Then trên đất Tây Nguyên, chị đã tập trung những chị em yêu thích học đàn để truyền dạy; đến nay nhiều chị em trong xã đã học được những bước cơ bản, nhiều chị đã sử dụng thành thạo chiếc đàn tính. Nhờ chăm chỉ tập luyện, đội hát Then của chị không những phục vụ bà con trong thôn trong xã mà còn thường xuyên đi biểu diễn ở các huyện, tỉnh. Không chỉ là người phụ nữ nặng lòng với chiếc đàn tính, chị còn tích cực phát triển kinh tế; đến nay gia đình chị có gần 3 ha đất sản xuất, trong đó chị tập trung trồng mía, trồng nhãn hương chi và đào ao thả cá cho thu nhập 50 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia công tác xã hội với vai trò là tổ trưởng tổ vay vốn, chi hội trưởng phụ nữ, công tác dân số trẻ em trong thôn. Trên cương vị nào chị cũng là người phụ nữ nhiệt tình với công việc, được bà con, chị em phụ nữ quý mến, tin yêu. Cùng với những bản sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện M’Drắk như Kinh, Ê Đê, H’Mông… Tin tưởng rằng với sự nhiệt tình tâm huyết của mình, chị sẽ cùng với chị em phụ nữ trong xã Ea Pil  tiếp tục bảo tồn và phát huy tiếng đàn tính và điệu hát then của người Tày trên mảnh đất Tây Nguyên, góp phần xây dựng kho tang nhạc cụ văn hóa các dân tộc ở huyện M’Drắk ngày càng phát triển phong phú và đa dạng./.

 

                                                                                                                        Tin:   Mỹ Sự - Thúy Diệp  

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN M'DRẮK
Số 41 - Nguyễn Tất Thành - TDP 6 - Thị trấn M'Drắk - Huyện M'Drắk - ĐắkLắk
Điện thoại: (0262) 3730324, Fax: (0262) 3731421 - Email: http://www.madrak@daklak.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: Lê Văn Thao - Trưởng ban
Thiết kế bởi VNPT ĐẮKLẮK
06 Lê Duẩn, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - Tel: 05003.845678
ipv6 ready